8 Tips để đế tổ trắng sạch ít lông

Bình chọn

Mong muốn có được những tổ yến trắng trẻo – ít lông là nhu cầu rất thường của các chủ nhà yến. Tổ yến trắng sạch – ít lông chắc chắn giá sẽ cao hơn so với tổ dơ – lông nhiều vì hao hụt khi lặt lông sơ chế.

Bạn đã nắm được kỹ năng chăm sóc nhà yến để có thể có được những tổ yến trắng sạch ít lông chưa? Trong bài viết này Hưng (founder của Pymid) xin chia sẻ kinh nghiệm nhỏ nhoi của mình, có thể là chưa đủ thì mong anh em chia sẻ thêm của mình để cùng đóng góp cho cộng đồng gọi yến chúng ta nhé.

I. Làm sao để có những tổ yến sạch?

Tổ yến sạch chịu tác động rất lớn của môi trường sống bên trong nhà yến và thời gian tổ nằm ngoài không khí ở môi trường đó. Bụi bặm – chất dơ bẩn làm cho tổ yến bị nám đen. Vi khuẩn – nấm mốc làm cho sợi biết bị hư hỏng đổi sang màu đục và nấm trắng. Còn hơi phân thì làm tổ yến bị nhiễm độc Nitrite, làm cho tổ dần biến thành màu vàng rồi thành màu đỏ mà ngày xưa gọi là yến huyết. Vì thế để ra được tổ yến trắng đẹp tinh tươm thì việc vệ sinh nhà yến đúng cách và giảm thời gian tổ yến ở ngoài môi trường xuống ít nhất có thể đã được áp dụng

1. Khử khuẩn nhà yến:

a. Khử khuẩn nhà yến bằng vi sinh là được sử dụng thông dụng nhất, Hưng hiện vẫn chưa có kinh nghiệm về kỹ năng sử dụng vi sinh cho nhà yến nên không dám nói nhiều ở đây. TUy nhiên, việc sử dụng vi sinh khử khuẩn vệ sinh trong nhà yến là thực sự hiệu quả theo các anh em Hưng quen biết phản ảnh lại. Việc nghiên cứu sử dụng vi sinh Hưng nghĩ cũng không khó, mọi người chịu khó tìm hiểu và săn thông tin là sẽ được. Hưng hiện nay chỉ chia sẻ chứ không có thời gian chăm chút cho nhà yến, nên không tự tìm hiểu để chia sẻ xâu hơn cho anh em

b. Khử khuẩn bằng thiết bị ion âm: rất ít anh em kỹ thuật gọi đàn biết đến kỹ năng này.

Ion âm có tác dụng lọc và khử mùi khó chịu, loại bỏ bớt các loại bụi siêu nhỏ và các chất rắn lơ lửng trong không khí. Hầu hết các chất gây ô nhiễm, khói, bụi, vi khuẩn và chất gây dị ứng lơ lửng trong không khí đều mang điện tích dương. Ở trạng thái lơ lửng, các Ion âm tự bám lấy, làm kết tủa tạo thành các hạt nặng dần và rơi xuống đất. Khi Ion âm trong môi trường đạt đến một mật độ đủ lớn sẽ làm các chất bẩn chuyển từ trạng thái tích điện dương sang trạng thái tích điện âm. Kết quả là các chất bẩn trong không khí tiến lại gần nhau và kết thành các hạt to hơn, nặng hơn và rơi xuống đất. Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi khối tạp chất đủ nặng để rơi xuống đất. Vì vậy, không khí với mật độ ion âm càng cao sẽ càng sạch.

c. Khử khuẩn nhà yến bằng máy hút lọc không khí: với các nhà yến khủng, số lượng đàn lớn, lượng phân chim sản sinh ra trong 1 ngày rất nhiều và chính hơi phân làm cho tổ yến bị nhiễm Nitrite đồng thời phân tạo ra bụi bẩn rất dơ. Rất ít nhà yến dùng hệ thống lọc không khí như thế này. Và Hưng cũng có nghe nói hiệu quả của nó rất lớn trong việc giúp cho tổ yến trắng sạch

2. Dọn phân chim yến định kỳ:

phân chim yến góp phần tạo nên bụi mịn dơ trong không khí nhà yến, lâu dài vài tháng sẽ bám lên tổ làm tổ nhìn không sạch. Ngoài ra, hơi phân yến là tác nhân sinh ra Nitrite, hơi Nitrite là độc tố không tốt cho sức khoẻ con người, và là tác nhân làm tổ yến biến thành màu vàng để lâu sẽ thành màu đỏ. Hiện nay, các nước như Malaisia, Indonesia dường như đã có quy định rõ về hàm lượng Nitrite max có trong không khí nhà yến, và yêu cầu có thiết bị ghi nhật ký nộng độ Nitrite này. Nếu nồng độ Nitrite lớn hơn tiêu chuẩn cho phép, phải có hệ thống hút hơi đẩy hơi phân này ra ngoài.

3. Tiêu diệt các vật gây hại bên trong nhà yến

Các loại côn trùng như Kiến, gián, thằn lằn… rất thích ăn sợi yến và đi đại tiện lên tổ yến. Nó làm cho tổ yến bị hư sợi chuyển sang đen hay nâu xẩm trông rất xấu. Việc tiêu diệt các loài gây hại này chắc cũng không có gì khó. Nếu các bạn chưa rõ hãy vào cộng đồng “Yêu Yến – Yêu Việt Nam” đặt câu hỏi nhé, các anh em thiện lành trong group này luôn luôn chào đón bạn để hỗ trợ

4. Bề mặt vật liệu đà tổ kém chất lượng

Các loại gỗ kém chất lượng ví dụ như bạch tùng, hoặc các loại gỗ lâu năm bị nấm mốc mối mọt. Các loại đà bê tông mác thấp dưới 150. Các loại đà tổ làm từ cemen cemboard… có bề mặt rất kém làm cho tổ yến bị ố màu vàng, bị sạn cát hoặc dính xi măng.

Để giải quyết vấn đề này, thì Hưng xin tư vấn quý vị ốp lưới inox hoặc là giấy nhám có hạt lớn, ốp lên bề mặt đà nhà bạn. Đây là giải pháp cực kỳ hiệu quả để giải quyết vấn đề đế tổ bị dơ do chất liệu đà kém

5. Áp dụng quy trình hái trộm tổ

kỹ năng hái trộm tổ giúp cho việc giảm thiểu thời gian tổ bên ngoài không khí môi trường nhà yến thấp nhất có thể. Tuy nhiên, theo Hưng chúng ta không nên dùng cách thức thiếu tự nhiên này, nó làm cho chim yến có thể bị stress và nhả ra những tổ yến không có chất lượng cao, bị loãng sợi. Đây là kinh nghiệm cá nhân Hưng thấy vậy và mình cũng không nên làm vì tính nhân văn của nghề này

II. Làm sao để đế tổ không bị dính lông nhiều

Việc tổ yến dính lông tơ của chim yến là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, chúng ta vẫn có những cách thức vận hành để giảm thiểu rủi ro tổ yến bị dính lông vào tổ nhé.

6. Độ ẩm phù hợp:

Nếu độ ẩm thấp quá thì tổ yến khô nứt tự gãy, tổ bị cong vênh nhìn rất xấu. Còn độ ẩm quá cao trên 85% thì tổ bị mềm dẻo dễ bị vi khuẩn ăn hư sợi yến, ngoài ra độ ẩm cao trên 85% còn làm cho tổ dễ bị dính lông tơ trên thân chim yến.Lý do rất đơn giản là do ở độ ẩm cao sợi yến rất lâu khô vầ tất nhiên chim chà bụng lên sợi yến chưa khô sẽ dễ dính lông tơ hơn tổ khô nhanh.

Kinh nghiệm là độ ẩm từ 70-75 % là phù hợp. Tuy nhiên, nếu đà tổ nhà bạn không cho phép độ ẩm thấp thế này thì bạn có thể làm thêm đường viền 1 cách sáng tạo để tạo rãnh lồi cho đà tổ giữ tổ yến không rơi khi độ ẩm quá thấp nhé

7. Nhiệt độ lý tưởng 28oC:

Nhiệt độ quá cao sẽ làm cho chim yến nóng nực và theo bản năng động vật là chúng sẽ rụng lông nhiều hơn để thoáng mát cho cơ thể. Vì thế luôn để ý nhiệt độ trong nhà yến và tìm mọi cách kéo nhiệt độ xuống bằng 28oC nhất có thể bạn nhé

 

8. Thực phẩm đầy đủ cho chim yến

Theo lời anh Phạm Văn Mai, 1 kỹ thuật lâu năm trong group “Yêu Yến Yêu Việt Nam” chia sẻ: “Nếu bạn để ý vào mùa mưa côn trùng nhiều thực phẩm dư dả, tổ yến sẽ rất sạch. Đơn giản là vì khi chúng no bụng việc thay lông theo mùa của chim yến sẽ diễn ra nhanh hơn so với lúc không đủ thực phẩm

Giải pháp bạn hãy nghiên cứu cách nuôi côn trùng bên trong nhà yến cung cấp cho chim yến. Ví dụ như nuôi ruồi lính đen, ruồi giấm, thiêu thân… trong số các con này thì Hưng đã trải nghiệm với ruồi giấm. Thiêu thân và ruồi lính đen là có mấy anh kỹ thuật trong group “Yêu Yến Yêu Việt Nam” chia sẻ là cực kỳ hiệu quả để chim yến bổ sung thực phẩm

Các bạn thấy bài viết này có đầy đủ chưa? có chỗ nào bạn thấy không hợp lý không? nếu có mời bạn vô group “Yêu Yến Yêu Việt Nam” cùng trao đổi và phản biện vui vẻ trong nhóm thiện lành này nhé. Group “Yêu Yến Yêu Việt Nam” không cho phép các anh em cãi vã, bóc phốt hay thái độ không phù hợp. Thế nên, bạn cứ thoải mái vào đây cùng nhau kết nối và chia sẻ nhé.

Youtube PymidYoutube
Fanpage PymidFacebook
zalo Yêu yến Yêu Việt NamZalo