Chia sẻ xây dựng phòng sấy lạnh tổ yến cho xưởng quy mô nhỏ – Hoàng Cường

1/5 - (1 bình chọn)

Sau 1 thời gian dài học hỏi các anh chị bạn bè trong group, nay tôi xin được phép chia sẻ bài viết đầu tiên tới mọi người. Đây là bài chia sẻ về việc xây dựng phòng sấy lạnh tổ yến cho các xưởng quy mô nhỏ. Bài viết hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cũng như kiến thức yến sào ít ỏi. Nếu có sai sót hay thiếu sót nào rất mong được sự góp ý từ mọi người.

Phòng sấy lạnh tổ yến

Ảnh Ritas Nguyễn – Từ cộng đồng và chỉ mang tính chất minh họa

1. Những phương pháp sấy tổ yến

Hiện nay, có nhiều phương pháp sấy tổ yến khác nhau được sử dụng trên thị trường. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến nhất:

👉 Sấy yên bằng máy sấy nhiệt: ưu điểm của phương pháp này là sấy nhanh, chi phí đầu tư thấp, gọn gàng nên tiết kiệm diện tích. Nhưng nhược điểm thì rất nặng. Khi tổ yến tiếp xúc với nhiệt độ cao, các thành phần bên trong tổ yến sẽ trải qua quá trình phân hủy. Đặc biệt, nhiệt độ cao có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến thành phần dinh dưỡng trong tổ yến. Việc tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể làm giảm hàm lượng protein và giá trị dinh dưỡng của tổ yến. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao có thể khiến cho tổ yến bị mất mùi, mất vị và mất màu, làm giảm giá trị thương mại của sản phẩm.

👉 Sấy yến bằng máy sấy lạnh: Nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là chi phí đầu tư cao. Ngoài ra, khó hơn trong việc kiểm soát các mẻ yến với xưởng yến có qui mô nhỏ, sản lượng chưa đều. Những máy có giá ~20 triệu trên thị trường chưa khẳng định được chất lượng.

👉 Sấy yến bằng phòng sấy lạnh: Đây đang được xem là phương pháp tối ưu nhất cho các xưởng yến sào qui mô nhỏ. Đây cũng là phương pháp tôi sẽ chia sẻ trong bài viết này.

[related_post_one]

2. Làm phòng sấy lạnh tổ yến cần những gì

Đây là những chia sẻ thật tâm sau 1 thời gian trong việc điều hành xưởng sơ chế tổ yến tại Đà Nẵng của tôi. Những điều này đã được đúc rút ra từ kinh nghiệm, kiến thức về yến sào, cũng như sự học hỏi từ bạn nghề.

Phòng sấy lạnh tổ yến - Hoàng Cường

Ảnh Hoàng Cường

👉 Bước 1: Lựa chọn vị trí và kích thước hợp lí cho phòng sấy.

Trước khi bắt đầu làm phòng sấy, bạn cần lựa chọn địa điểm phù hợp để đặt phòng. Vị trí phòng sấy cần nằm ở khu vực thoáng mát, không vướng víu tới khu sơ chế. Nơi chọn để đặt phòng sấy cần có nguồn điện ổn định và không bị tác động của ánh nắng. Nên để ở 1 góc riêng biệt trong xưởng.

Đối với xưởng yến qui mô nhỏ thì sản lượng sẽ thấp, không quá nhiều. Phòng sấy cần làm kích thước phù hợp để tiết kiệm chi phí đầu tư, tiết kiệm điện và thời gian sấy. Theo tôi kích thước hợp lí là từ: 3-10m2, tùy qui mô của xưởng. Như hình ảnh của tôi cung cấp, kích thước là 1,7m x 2,5m (tổng diện tích chỉ có ~4m2).

👉 Bước 2: Thiết kế và lắp đặt phòng sấy lạnh tổ yến.

Rất nhiều người khi làm phòng sấy băn khoăn về việc giữ lạnh, cách nhiệt,… Nhưng với tôi, khi phòng sấy nhỏ thì bạn không cần bận tâm quá nhiều. Một phòng sấy đơn giản với các chất liệu như: kính thường, tấm alu, tấm nhựa, cemboard,… đều được. Và kinh nghiệm của tôi thì tôi khuyên các bạn làm tấm alu, khung sắt hoặc nhôm nhẹ. Phương án này vừa đẹp, gọn gàng và vừa tiết kiệm chi phí.

👉 Bước 3: Các thiết bị vật tư cần thiết trong phòng sấy lạnh tổ yến.

Những thiết bị cần lắp đặt trong phòng: 1 điều hòa, giá sấy yến, 1 quạt/1m2 giá, 1 máy hút ẩm, 1 đèn uv diệt khuẩn.
Diện tích phòng rất nhỏ nên tôi chỉ cần: 1 điều hòa 1hp có giá tầm 6 triệu, 1 quạt công nghiệp sải cánh 65cm có giá 1,3 triệu, 1 máy hút ẩm Sharp có giá 4,7 triệu, 1 đèn uv 15w chuẩn trong y tế có giá 700k, 1 giá sấy yến 3-4 tầng có kích thước: 1m x 0,6cm. Giá sấy yến thì có thể dùng sắt V hoặc hàn giá inox kết hợp các tấm lưới, chi phí rất nhẹ nhàng. Tùy vào qui mô xưởng mà bố trí bao nhiêu giá sấy.

3. Những lưu ý khi làm phòng sấy lạnh tổ yến

Như vậy, cơ bản chúng ta đã xong 1 phòng sấy lạnh tổ yến cho xưởng có qui mô nhỏ. Việc vận hành phòng sấy này rất dễ dàng. Nhưng trong quá trình sử dụng, tôi cũng có những lưu ý cho các bạn:

Máy hút ẩm đặt cách xa giá sấy yến ít nhất 50cm, và để máy ở chế độ “comfort”, không để ở chế độ dry nhé!
Nên làm ổ cắm thông minh cho nguồn điện. Việc này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc sấy tổ yến. Bạn dễ dàng hẹn giờ được quạt, đèn uv, máy hút ẩm.

Đèn uv có nhiệm vụ chính là khử khuẩn phòng sấy. Đèn uv nên bật vào lúc không có yến trong phòng khoảng 2h/1 ngày.
Trên đây là những chia sẻ từ kiến thức và kinh nghiệm của tôi. Nếu có sai sót nào hoặc thiếu sót gì thì tôi rất mong nhận được góp ý từ các bạn. Nếu bạn nào có thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ với tôi qua zalo. Tôi sẽ chia sẻ miễn phí 100% dựa trên kinh nghiệm của mình.

Nguồn Hoàng Cường

Youtube PymidYoutube
Fanpage PymidFacebook
zalo Yêu yến Yêu Việt NamZalo